Ước gì con không phải là người tàn tật

Mỗi người sinh ra đều có một số phận. Nhưng sao mọi đau khổ, bất công đều đổ dồn lên gia đình tôi?


Nhìn gia đình hàng xóm con cái họ trưởng thành và lành lặn. Cùng những nụ cười tự hào khi kể về con họ đã xin được việc làm tử tế và gửi tháng lương đầu tiên về bảo đó là quà dành cho bố mẹ. Cái niềm vui đó hiện lên rất rõ trong mắt họ. Tự nhiên sao lòng tôi thấy thương cha mẹ tôi quá, ngước lên hỏi ông trời “ông bất công với những kẻ tật nguyền như tôi đã đành nhưng sao cha mẹ tôi có tội gì đâu mà phải chịu nhiều nỗi khổ đau như vậy?”. Tôi nghĩ, sao người khác nuôi con dễ dàng mà cha mẹ tôi lại nuôi con khó nhọc đến thế.


Tôi cũng là một đứa con đã lớn và trưởng thành. Đáng ra ở cái tuổi 24 này, tôi phải chăm sóc, báo hiếu cha mẹ nhưng tôi lại không làm được. Không phải tôi là đứa con bất hiếu mà vì tôi là đứa con tật nguyền thì sao có thể… Làm sao tôi quên được những tháng ngày cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc tôi? Tôi vẫn còn nhớ những ngày sức khoẻ tôi yếu, cha mẹ phải đưa đi từ bệnh viên tỉnh đến bệnh viện trung ương để chữa bệnh cho tôi. Vào những đêm trở trời, tôi lên cơn nóng rét, cha mẹ phải dậy chạy đi tìm
thuốc, lo lắng cho tôi cả đêm.


Người ta nuôi con đến hơn hai tuổi là biết đi. Còn cha mẹ tôi nuôi tôi đến 12 tuổi tôi mới chập chững những bước đầu đời. Suốt cả 12 năm ròng rã cha mẹ nuôi tôi như một đứa trẻ, bồng bế tôi suốt cả 12 năm trời.


Tôi vẫn còn nhớ những ngày mẹ đưa tôi đến trường. Hồi đó vì tôi quá tuổi học lớp 1, lại bị tật nguyền nên chẳng cô giáo nào chịu nhận dạy tôi cả. Thấy tôi ham học, mẹ phải đến nhà cầu xin cô giáo nhận tôi vào lớp. Được đi học, cha mẹ lại tiếp tục thay nhau chở tôi đến trường bằng chiếc xe đạp cũ kỹ. Với tình thương yêu của cha mẹ, tôi đã cố gắng học hết lớp 5. Bước sang cấp hai do sức khoẻ tôi quá yếu không thể tiếp tục đi học được và tôi đành bỏ học giữa chừng. Có một lần thấy bọn trẻ đồng trang lứa với tôi cắp sách đến trường, vô tình tôi vừa khóc vừa hỏi cha mẹ rằng: “Tại sao cha mẹ sinh con ra lại bị thế này? Tại sao con không thể đến trường như các bạn hả cha mẹ?”.


Tôi hỏi mà không biết chính câu hỏi đó như cái mũi kim đâm thẳng vào vết thương đang chảy máu trong lòng cha mẹ tôi. Mẹ khóc quay đi chỗ khác, cha nhẹ nhàng dỗ dành rồi nói: “Do tạo hóa con à. Cha mẹ cũng không muốn thế đâu.” Thế rồi cha mẹ trở thành người thầy, người cô của tôi. Những người thầy, người cô không có nghiệp vụ sư phạm nhưng đã dạy con họ trưởng thành từ những bài học về đạo lý làm người.


Khi tôi vừa mới biết đi, biết tự lo vệ sinh cá nhân cho mình chưa được bao lâu thì nỗi đau lại ập đến. Đứa em út sinh ra bị tật giống tôi. Các bác sĩ kết luận cay đắng “nó bị di chứng chất độc da cam”. Sự thật quá phũ phàng, quá đau đớn đối với cha mẹ tôi. Nuôi em hơn 15 năm trời, những đứa trẻ khác bằng tuổi em, đang bước sang thi cuối cấp. Còn em vẫn là một đứa trẻ không biết no đói là gì.


Giật mình mỗi khi lên cơn động kinh. Suốt ngày chỉ biết cười hoặc khóc và vẫn phải có người bồng bế. Nhìn cảnh cha mẹ nuôi em hiện giờ, tôi hình dung ra được cha mẹ trước kia nuôi dưỡng tôi khó nhọc như thế nào. Thương cha mẹ lắm nhưng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Giọt nước mắt của thằng con trai tật nguyền như tôi vẫn cứ thế chảy dài trong sự bất lực.


Làm nghề nông chịu bao vất vả mà cha mẹ tôi lại vướng phải hai đứa con tật nguyền. Đời cha mẹ như đi liền với khắc khổ vậy. Nhiều lúc nghe bạn bè nói chuyện về con cái họ thành đạt mà mẹ phải tránh đi để
không tủi thân về con của mình. Nhìn bọn trẻ đồng trang lứa với em tôi chạy đi đá bóng mẹ nói “Ước gì thằng cu nhà mình cũng chạy đi đá bóng được như mấy đứa kia nhỉ!”. Nói xong mẹ ôm em vào lòng rồi khóc. Đời cha mẹ ăn ở hiền lành thế mà sao lại chịu nhiều đau khổ vậy chứ?


Tôi lập gia đình, người khuyết tật lấy một người khuyết tật là điều dễ hiểu. Đám cưới của hai người khuyết tật gây bao sự tò mò, chú ý của mọi người. Vui có, khóc có nhưng cha mẹ tôi vẫn chưa hết lo lắng. Mẹ nói với vợ chồng tôi: “Cưới nhau về hai đứa có đủ sức nuôi nổi nhau không?”. Bỗng cha nói: “Những đứa bình thường khác thì cưới về cha mẹ cho ở riêng. Còn các con tật nguyền thế này phải ở với cha mẹ đến khi nào cha mẹ không còn đủ sức để nuôi các con nữa thì thôi.” Câu nói đó làm hai vợ chồng tôi đều bật khóc. Những người khác sinh ra, lớn lên, trưởng thành đều đền đáp công ơn cha mẹ. Còn chúng tôi, lại như “bóc lột” cha mẹ đến già.


Lòng tôi biết làm sao đây. Biết đến bao giờ tôi mới bù đắp được công ơn của cha mẹ đã dành hết cả cuộc đời nuôi tôi. Ngọn cây cũng đến lúc già héo huống hồ chi là con người. Tôi nhìn thấy trên đầu của cha mẹ tóc đã điểm bạc. Cha mẹ tôi rồi cũng già đi theo năm tháng. Nếu một ngày cha mẹ rời xa chúng tôi, lúc đó không biết đời tôi và em tôi sẽ như thế nào? Riêng bản thân tôi thì không lo nhưng em tôi sẽ
thế nào? Đó là dấu chấm hỏi lớn trong lòng tôi.


Nếp nhăn của cha mẹ như nhiều hơn. Mẹ từng hình dung ra em tôi rồi sẽ như ông Nghị trong làng, chịu đói rét cả ngày chỉ biết đi xin từng bát cơm để ăn, ai cho cái gì thi ăn cái đó. Mẹ đã khóc rồi nói “Đói rét ai chăm lo cho con tôi đây”. Nhưng mẹ à! Đó chỉ là tưởng tượng của mẹ thôi, sẽ không có điều ấy xảy ra với em con đâu.


Một ngày nào đó con của tôi cũng ra đời. Không biết lúc đó tôi có nuôi dưỡng được con của tôi giống như cha mẹ đã từng nuôi dưỡng tôi không? Là anh cả trong gia đình, tôi phải làm sao đây? Cha tôi là con trưởng của một dòng họ, tôi là cháu đích tôn mà thế đây. Thật sự tôi đang bế tắc, bế tắc thật sự. Món quà tôi muốn dành tặng cha mẹ chắc mãi vẫn còn dang dở thế này.


Cha mẹ ơi, nếu có một điều ước, con sẽ ước sao cho cha mẹ sống mãi bên chúng con để che chở cho chúng con, để con còn báo hiếu cha mẹ. Điều duy nhất con có thể làm cho cha mẹ bây giờ là nói lời “con yêu cha mẹ rất nhiều”.

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn